Biến động giá cổ phiếu ngân hàng niêm yết và các lưu ý đối với nhà đầu tư cá nhân
18/07/2022 8.362 lượt xem
Tóm tắt: Cổ phiếu ngân hàng (CPNH) là nhóm cổ phiếu “trụ” của thị trường chứng khoán (TTCK), dành được sự quan tâm nghiên cứu của các tổ chức và cá nhân tại Việt Nam. Ở góc độ nhà đầu tư cá nhân, nâng cao hiểu biết về CPNH rất hữu ích trong việc lựa chọn danh mục đầu tư theo các mục tiêu trong ngắn hạn và trong dài hạn. Thực tiễn cũng cho thấy cảm xúc của các nhà đầu tư cá nhân bị phụ thuộc vào diễn biến giá cổ phiếu. Vì thế, bài viết tập trung luận giải các nội dung chính liên quan đến đặc trưng của CPNH gắn với các đặc thù hoạt động kinh doanh ngân hàng; đồng thời đánh giá mức độ biến động, chu kỳ và tính chất mùa vụ của các nhóm CPNH trong giai đoạn 2009 - 2020. Trên cơ sở đó, bài viết tổng kết các điểm mà nhà đầu tư cá nhân cần lưu ý khi đón nhận thông tin đại chúng về CPNH và những cơ sở để xây dựng niềm tin đối với nhóm cổ phiếu này.

Từ khóa: Cổ phiếu ngân hàng, nhà đầu tư cá nhân.
 
A FLUCTUATION OF LISTED BANK STOCK PRICES AND NOTES TO INDIVIDUAL INVESTORS

Abstract:
 
It is a fact that a number of bank shares belonged to the largest stock group “VN30” and “HNX30” in the security market has gained a lot of interest from researchers and regulators in Vietnam. To individual investors, improving proper understanding of bank share enables them to set up effective investment portfolios based on short-term or long-term goals. It is also said that individual investors' emotions are driven by a fluctuation in the stock price, therefore, the article clarifies characteristics of bank shares associated with explaination on fluctuating in bank stock prices during period of 2009 - 2020. On the basis of findings, the author makes recommendations to individual investors who have keen on bank shares about the importance of understandings of social media information, and the seasonality and variation of the group of bank shares.
 
Keywords: Bank share, individual investors.
 
1. Giới thiệu
 
Giá cổ phiếu là chỉ số được chú ý nhiều nhất trên các TTCK. Biến động giá của một cổ phiếu hoặc một nhóm cổ phiếu chịu ảnh hưởng bởi hệ sinh thái các nhân tố tồn tại trong môi trường kinh tế. Trong các cổ phiếu niêm yết, cổ phiếu của các ngân hàng niêm yết (NHNY) thuộc nhóm cổ phiếu khá đặc biệt xuất phát từ đặc thù kinh doanh và tính chất nhạy cảm của ngành Ngân hàng. Đây là những tổ chức có quy mô vốn hóa lớn so với rất nhiều tổ chức niêm yết khác. Ở Việt Nam, các NHNY ngoài việc đảm bảo đúng quy định của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) còn phải tuân thủ chặt chẽ các quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN). Tính đến ngày 25/01/2022, Việt Nam có tất cả 19 mã CPNH được niêm yết, trong đó có 17 mã tại Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HOSE) và 02 mã tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX). Bên cạnh đó, 09 mã CPNH khác đang được đăng ký giao dịch UpCOM. Kết quả xếp hạng các tổ chức vốn hóa lớn nhất thị trường cho thấy, có tới 10 trong số 18 mã CPNH nằm trong danh sách VN30 và có 01 trong 02 mã cổ phiếu thuộc HNX301
 
Tầm quan trọng của CPNH được thể hiện tại Quyết định số 242/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 28/02/2019 về việc phê duyệt Đề án “Cơ cấu lại TTCK và thị trường bảo hiểm đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025”. Đề án nhấn mạnh một trong những giải pháp cơ cấu lại cơ sở hàng hóa cho TTCK Việt Nam là "tất cả các ngân hàng sẽ phải thực hiện việc niêm yết chính thức hoặc đăng ký giao dịch cổ phiếu". Điều đó một lần nữa cho thấy, việc niêm yết hay đăng ký giao dịch CPNH trên TTCK được xem là tất yếu khách quan và cũng xuất phát từ mong muốn của Chính phủ muốn thúc đẩy ngành Ngân hàng phát triển lên một tầm cao mới.
 
Ở Việt Nam, cổ phiếu của các NHNY được coi là nhóm cổ phiếu "trụ" của thị trường. Thực tiễn cũng cho thấy, biến động giá cổ phiếu ảnh hưởng trực tiếp đến các nhà đầu tư, nhà phát hành và sự ổn định của TTCK. Nội dung của bài viết tập trung nghiên cứu các đặc trưng của CPNH, phân tích diễn biến giá các nhóm CPNH trong giai đoạn 2009 - 2020 cho phép xác định được chu kỳ và tính mùa vụ trong biến động giá các nhóm cổ phiếu NHNY. Trên cơ sở đó, các kết luận về sự tương đồng và khác biệt trong xu hướng và chu kỳ biến động giá cổ phiếu NHNY được rút ra nhằm đề xuất giải pháp đào tạo nhà đầu tư cá nhân liên quan đến danh mục đầu tư dài hạn.
 
2. Các đặc trưng của cổ phiếu NHNY
 
Cổ phiếu phổ thông do NHNY phát hành ngoài các đặc điểm chung như mọi cổ phiếu niêm yết khác còn có những nét khác biệt theo đặc thù hoạt động kinh doanh ngân hàng. Xét về đặc điểm chung, CPNH là một chứng khoán vốn, xác nhận sự hùn vốn của cổ đông vào ngân hàng thương mại (NHTM) cổ phần niêm yết. CPNH không có kỳ hạn, nó tồn tại cùng với sự tồn tại của NHTM cổ phần. Khi thành lập NHTM cổ phần, CPNH được phát hành dưới hình thức phát hành nội bộ hoặc phát hành lần đầu ra công chúng để tạo vốn điều lệ; hoặc phát hành bổ sung để mở rộng kinh doanh, hiện đại hóa sản xuất. CPNH là một công cụ có khả năng sinh lợi thể hiện ở việc các cổ đông sẽ nhận được các khoản lợi nhuận từ nắm giữ cổ phiếu. Các nhà đầu tư thường kỳ vọng nhận được cổ tức định kỳ và đồng thời được hưởng chênh lệch giữa giá mua và giá bán cổ phiếu. Mức cổ tức mà cổ đông được nhận có thể cố định hay biến động tùy theo từng loại cổ phiếu. Hơn nữa, CPNH là công cụ tài chính có rủi ro. Các cổ đông sẽ không được chia cổ tức nếu NHTM cổ phần thua lỗ hoặc không được duyệt chi cổ tức trong năm hiện hành tại Đại hội cổ đông. Đặc điểm rủi ro của CPNH cũng gắn liền với mối quan hệ tỷ lệ thuận giữa khả năng sinh lợi và rủi ro như các công cụ đầu tư khác. Trong bối cảnh dịch Covid-19, nhiều NHNY không được phép chia cổ tức bằng tiền mặt cũng là bằng chứng cho thấy hình thức chia cổ tức phụ thuộc vào những quy định pháp luật hiện hành. Ngoài ra, CPNH có tính thanh khoản cho phép người sở hữu được quyền chuyển nhượng nó cho người khác. 
 
Xét về các đặc trưng của CPNH, mặc dù hiện nay chưa có cơ sở lý thuyết phân tích đầy đủ và có hệ thống về các đặc trưng của chúng, tuy nhiên, một số kết quả nghiên cứu được tìm thấy vẫn cho phép nhận dạng các đặc trưng của CPNH. 
 
Thứ nhất, CPNH được niêm yết trên TTCK thông thường ngoài sự chấp thuận của cơ quan quản lý về TTCK còn phải được sự chấp thuận niêm yết của cơ quan quản lý nhà nước về tiền tệ, hoạt động ngân hàng và ngoại hối của quốc gia đó.
 
Ví dụ: Tại Việt Nam, Thông tư số 26/2012/TT-NHNN ngày 13/9/2012 của Thống đốc NHNN có hiệu lực ngày 29/10/2012 hướng dẫn thủ tục chấp thuận của NHNN Việt Nam đối với việc niêm yết cổ phiếu trên TTCK trong nước và nước ngoài của tổ chức tín dụng (TCTD) cổ phần đã nêu rõ 09 điều kiện để TCTD được niêm yết trên TTCK Việt Nam, bao gồm:
 
- TCTD có thời gian hoạt động tối thiểu là 02 năm tính đến thời điểm đề nghị.
 
- Giá trị thực của vốn điều lệ tính đến thời điểm đề nghị không được thấp hơn mức vốn pháp định theo quy định hiện hành.
 
- Hoạt động kinh doanh có lãi trên cơ sở báo cáo tài chính hợp nhất có kiểm toán và báo cáo riêng lẻ có kiểm toán trong 02 năm liền kề trước năm đề nghị.
 
- Tuân thủ các hạn chế để đảm bảo an toàn trong hoạt động của TCTD theo quy định hiện hành liên tục trong 06 tháng liền kề trước thời điểm đề nghị.
 
- Tỷ lệ nợ xấu dưới 3% so với tổng dư nợ tại thời điểm cuối quý trong thời gian 2 quý liền kề trước quý đề nghị.
 
- Thực hiện phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro theo quy định của NHNN tại thời điểm cuối quý liền kề trước quý đề nghị.
 
- Trong thời gian 12 tháng liền kề trước thời điểm đề nghị, TCTD không bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng dưới hình thức phạt tiền từ 30 triệu đồng trở lên.
 
- Tại thời điểm đề nghị, Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát của TCTD có số lượng và cơ cấu đảm bảo quy định của pháp luật hiện hành. 
 
- Có bộ phận kiểm toán nội bộ và hệ thống kiểm soát nội bộ bảo đảm tuân thủ Điều 40, Điều 41 của Luật Các TCTD và các quy định có liên quan đến pháp luật hiện hành.
 
Điều đó cho thấy rằng, các quy định về niêm yết CPNH đòi hỏi NHTM cổ phần phải đảm bảo an toàn hoạt động kinh doanh ngân hàng; do đó, việc niêm yết CPNH luôn bị ràng buộc với đặc thù hoạt động kinh doanh ngân hàng. 
 
Thứ hai, CPNH thông thường không được sử dụng để cầm cố ngay tại NHTM cổ phần phát hành ra cổ phiếu đó. 
 
Một trong những nghiệp vụ đặc trưng của NHTM là nghiệp vụ cho vay có tài sản bảo đảm. Chẳng hạn, khoản 1 Điều 105 
 
Bộ luật Dân sự số 91/2015/QH13 ban hành ngày 24/11/2015 quy định “tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản”. Điều đó có nghĩa rằng, so với các doanh nghiệp trong ngành kinh tế khác, NHTM cổ phần có một chức năng riêng là chức năng “cầm cố tài sản”. Trong khi đó, khoản 2 Điều 35 Nghị định số 59/2009/NĐ-CP ngày 16/7/2009 của Chính phủ quy định: “không được sử dụng cổ phiếu để cầm cố tại chính NHTM cổ phần phát hành ra cổ phiếu đó”. Ngoài ra, nội dung này đồng thời cũng được ghi cụ thể trong Điều lệ của các NHTM cổ phần tại Việt Nam. 
 
Xuất phát từ quy định pháp luật cho thấy, cầm cố là biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ của bên cầm cố đối với bên nhận cầm cố và trong trường hợp bên cầm cố không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ, thì NHTM cổ phần không thể nhận chính tài sản của mình (cổ phiếu do mình phát hành) để thay thế cho nghĩa vụ của bên cầm cố. 
 
Thứ ba, CPNH là loại cổ phiếu có quy mô vốn hóa lớn trên các TTCK. Thực tế tại Việt Nam, theo Nghị định số 86/2019/NĐ-CP ngày 14/11/2019 của Chính phủ quy định mức vốn pháp định đối với NHTM là 3.000 tỷ đồng, trong khi quy định về vốn điều lệ tối thiểu của tổ chức niêm yết tại HNX và HOSE lần lượt là 30 tỷ đồng và 120 tỷ đồng trở lên dựa trên số liệu ghi trong báo cáo tài chính được kiểm toán tại thời điểm đăng ký niêm yết mới. Chính vì thế, các cơ quan quản lý TTCK thường cho phép số lượng đăng ký phát hành CPNH lớn hơn nhiều tổ chức phát hành phi ngân hàng. Do đó, tần suất và quy mô giao dịch cổ phiếu của các NHTM thường lên tới hàng triệu cổ phiếu và được khớp lệnh ở mỗi phiên. 
 
Thứ tư, CPNH là loại cổ phiếu gián tiếp được hưởng những ưu đãi của Chính phủ và ngân hàng trung ương (NHTƯ).
 
Thực tiễn ở các quốc gia cho thấy, ngành Ngân hàng là Ngành được hỗ trợ của Chính phủ và NHTƯ. Chẳng hạn, trong giai đoạn suy thoái kinh tế hoặc khủng hoảng nợ xấu, những vấn đề liên quan đến thiếu thanh khoản, nợ xấu tăng cao trong hệ thống đều được các cơ quan quản lý nói trên hỗ trợ kiểm soát đặc biệt, nhận được các chương trình hỗ trợ kèm theo các biện pháp đảm bảo an toàn hệ thống. Niềm tin của thị trường cho rằng “quá lớn để thất bại - too big to fail” ăn sâu vào ý thức hệ quần chúng, khiến các nhà đầu tư có sự yên tâm và ngầm hiểu rằng CPNH được ăn theo những ưu đãi của Chính phủ và NHTƯ.
 
Thứ năm, CPNH là loại cổ phiếu nhạy cảm đối với các nhà đầu tư và có vai trò dẫn dắt TTCK. CPNH nhạy cảm do tính đặc thù của hoạt động kinh doanh ngân hàng. Các quy chế hoạt động kinh doanh ngân hàng luôn là những quy chế riêng và mang tính đặc thù. Quan điểm này cũng được nhà kinh tế học Perter S. Rose (2001) nhấn mạnh: “Nếu giá trị CPNH không thể tăng như mong đợi, nhà đầu tư hiện tại có thể tìm cách bán cổ phiếu của họ và ngân hàng sẽ gặp khó khăn trong việc huy động thêm vốn mới để hỗ trợ cho sự tăng trưởng trong tương lai”. Mặt khác, ông cũng cho rằng, “CPNH gắn liền với những thay đổi về lãi suất, chu kỳ kinh tế và khu vực thị trường của ngân hàng2”. Nhiều nghiên cứu thực chứng cho thấy, chỉ số giá CPNH có sự đồng biến động với chỉ số chứng khoán chung của thị trường. 
 
3. Tình hình niêm yết CPNH trên TTCK Việt Nam
 
Tính đến ngày 25/01/2022, TTCK Việt Nam có 28 NHNY và đăng ký giao dịch trên sở giao dịch chứng khoán, trong đó có 02 ngân hàng niêm yết tại HNX là NHTM cổ phần Quốc Dân (NVB) và NHTM cổ phần Sài Gòn - Hà Nội (SHB); 17 NHNY tại HOSE, bao gồm: NHTM cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BID), NHTM cổ phần Công thương Việt Nam (CTG), NHTM cổ phần Ngoại thương Việt Nam (VCB), NHTM cổ phần Xuất nhập khẩu Việt Nam (EIB), NHTM cổ phần Quân đội (MBB), NHTM cổ phần Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh (HDB), NHTM cổ phần Sài Gòn Thương tín (STB), NHTM cổ phần Kỹ thương Việt Nam (TCB), NHTM cổ phần Tiên Phong (TPB), NHTM cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng (VPB), NHTM cổ phần Quốc tế Việt Nam (VIB), NHTM cổ phần Bưu điện Liên Việt (LPB), NHTM cổ phần Hàng Hải Việt Nam (MSB), NHTM cổ phần Phương Đông (OCB), NHTM cổ phần Á Châu (ACB)3, NHTM cổ phần Đông Á (SSB); 09 NHTM cổ phần giao dịch trên sàn UpCOM bao gồm: NHTM cổ phần Xăng dầu Petrolimex (PGB), NHTM cổ phần An Bình (ABB), NHTM cổ phần Bản Việt (BVB), NHTM cổ phần Nam Á (NAB), NHTM cổ phần Sài Gòn - Công Thương (SGB), NHTM cổ phần Bắc Á (BAB), NHTM cổ phần Kiên Long (KLB), NHTM cổ phần Việt Nam Thương Tín (VBB), NHTM cổ phần Việt Á (VAB). (Bảng 1)
 
Bảng 1: Khái quát quá trình niêm yết của các NHTM cổ phần


 
Thông tin tại Bảng 1 khái quát tình hình niêm yết các NHTM cổ phần tính đến cuối năm 2021. NHTM cổ phần Á Châu (ACB) và NHTM cổ phần Sài Gòn Thương Tín (STB) là 02 đại diện đầu tiên có mặt tại HNX và HOSE vào năm 2006. Năm 2009 đánh dấu việc niêm yết của 04 NHTM cổ phần, trong đó có 02 ngân hàng thuộc nhóm quy mô lớn là NHTM cổ phần Ngoại thương Việt Nam và NHTM cổ phần Công thương Việt Nam và 02 ngân hàng khác là NHTM cổ phần Sài Gòn - Hà Nội và NHTM cổ phần Xuất nhập khẩu Việt Nam.
 
Trong các năm 2010 và 2011, thị trường đón nhận thêm 02 NHNY nữa là NHTM cổ phần Quốc Dân và NHTM cổ phần Quân đội). Trong năm 2012 và 2013, TTCK Việt Nam gánh chịu vô vàn khó khăn và phải tới năm 2014 mới có thể đón nhận thêm 01 đại diện NHNY nữa là NHTM cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam. Trong các năm 2015 và 2016 không có NHTM nào niêm yết thêm. Tuy nhiên, từ năm 2017 đến cuối năm 2019, ngành Ngân hàng có thêm NHTM cổ phần Việt Nam Thinh Vượng, NHTM cổ phần Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh, NHTM cổ phần Kỹ thương Việt Nam và NHTM cổ phần Tiên Phong chính thức lên sàn. 
 
Quy mô niêm yết cũng có sự khác nhau rõ rệt giữa các thời điểm. Trước 2010, quy mô niêm yết của NHTM cổ phần Ngoại thương Việt Nam và NHTM cổ phần Công thương Việt Nam chỉ khiêm tốn dưới 125 triệu cổ phiếu mặc dù cả hai đều là các ngân hàng lớn của Ngành, còn NHTM cổ phần Sài Gòn - Hà Nội chỉ niêm yết với quy mô 50 triệu cổ phiếu. Kể từ năm 2011, những ngân hàng mới tham gia được gia tăng quy mô niêm yết, vì thế đợt IPO đầu tiên của 03 mã cổ phiếu BID, TCB và VPB đã có số cổ phiếu niêm yết lần đầu rất lớn với quy mô tương ứng là 2.811,2 triệu cổ phiếu; 1.165,5 triệu cổ phiếu và 1.405,9 triệu cổ phiếu. 
 
Tính đến cuối năm 2020, 03 ngân hàng: NHTM cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam, NHTM cổ phần Ngoại thương Việt Nam và NHTM cổ phần Công Thương Việt Nam vẫn dẫn đầu thị trường với quy mô niêm yết tích lũy 4.022,01/triệu cổ phiếu, 3.708,07 triệu cổ phiếu và 3.723,4 triệu cổ phiếu. Các ngân hàng: NHTM cổ phần Kỹ thương Việt Nam, NHTM cổ phần Quân đội, NHTM cổ phầnViệt Nam Thịnh Vượng và NHTM cổ phần Á Châu ở phân tầng liền kề với quy mô niêm yết lần lượt là 3.504,9 triệu cổ phiếu, 2.798,75 triệu cổ phiếu, 2.365,25 triệu cổ phiếu, và 2.161,56 triệu cổ phiếu. Ngoại trừ NHTM cổ phần Quốc Dân khiêm tốn với khối lượng niêm yết chỉ có 410,15 triệu cổ phiếu thì những ngân hàng còn lại đã nâng quy mô lên mức từ 1.000 triệu đến 2.000 triệu cổ phiếu. Tính đến cuối 2020, có 03 mã cổ phiếu là LPB, MSB và VIB đã chính thức niêm yết tại HOSE, và đến Q1/2021, có thêm 02 mã cổ phiếu là OCB và SSB chính thức lên HOSE. 
 
Có thể nói, so với nhiều tổ chức niêm yết khác, các NHTM cổ phần chính thức lên sàn muộn hơn. Quá trình đó diễn ra rải rác trong suốt 15 năm kể từ năm 2006. Tính đến cuối năm 2021, số lượng ngân hàng niêm đạt 19 trong tổng số 33 NHTM cổ phần trên toàn hệ thống, chiếm tỉ lệ 57,58%. Để hoàn thành mục tiêu niêm yết tính đến năm 2025 theo Quyết định số 242/2019/QĐ-TTg ngày 28/02/2019 của Thủ tướng Chính phủ, các ngân hàng chưa đăng kí giao dịch hoặc chưa niêm yết sẽ phải gấp rút hoàn thành lộ trình theo chủ trương của Chính phủ.
 
4. Biến động giá các nhóm cổ phiếu NHNY
 
Theo khoản 2 Điều 4 Thông tư số 52/2018/TT-NHNN ngày 31/12/2018 của Thống đốc NHNN về quy định xếp hạng tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài thì các NHTM cổ phần được phân biệt thành các NHTM cổ phần có quy mô lớn tính theo tổng giá trị tài sản bình quân đạt tối thiểu 100.000 tỷ đồng/quý, quy mô nhỏ với tổng giá trị tài sản bình quân/quý bằng hoặc thấp hơn 100.000 tỷ đồng. Xét từ năm 2018 cho tới nay, có tới 12 trong 13 NHTM thuộc phạm vi nghiên cứu của bài viết đều có tổng tài sản vượt mức 100.000 tỷ đồng. Điều đó khẳng định rằng, so với các TCTD phi ngân hàng thì các NHNY phần lớn đều thuộc nhóm NHTM cổ phần quy mô lớn theo Thông tư số 52/2018/TT-NHNN ngày 31/12/2018 của Thống đốc NHNN. Tuy nhiên, quy  định này phù hợp để phân hạng TCTD, có nghĩa là, trong tương quan so sánh với TCTD khác thì NHTM cổ phần là nhóm trung gian tài chính có quy mô lớn. 
 
Theo quan điểm của tác giả, giữa các NHNY cần được chia nhóm để nghiên cứu rõ hơn mức độ biến động giá cổ phiếu trong mỗi nhóm. Thực tiễn cho thấy, 03 NHNY có vốn Nhà nước chiếm cổ phần đa số thường được mệnh danh thuộc nhóm “Big 4” có vị trí trọng yếu với quy mô tổng tài sản trung bình giai đoạn Q1/2008 - Q4/2020 trong khoảng 1.122.783 - 1.390.973 tỷ đồng, vượt trội so với nhiều ngân hàng khác và mang đặc trưng là Nhà nước chiếm cổ phần đa số, được phân vào nhóm 1. Số còn lại là NHTM cổ phần thuộc sở hữu của các tập đoàn kinh tế và cá nhân, và bản thân họ có sự phân hóa rõ rệt về quy mô tổng tài sản, trong đó 06 ngân hàng: NHTM cổ phần Á Châu, NHTM cổ phần Quân đội, NHTM cổ phần Sài Gòn - Hà Nội, NHTM cổ phần Sài Gòn Thương Tín, NHTM cổ phần Kỹ thương Việt Nam, NHTM cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng có tổng tài sản bình quân giai đoạn Q1/2008 - Q4/2020 trong khoảng 359.550 - 439.865 tỷ đồng, vượt trội so với 04 ngân hàng còn lại là NHTM cổ phần Xuất nhập khẩu Việt Nam, NHTM cổ phần Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh, NHTM cổ phần Quốc Dân, NHTM cổ phần Tiên Phong với quy mô dao động trong khoảng 73.714 - 226.239 tỷ đồng. Chính vì vậy, 10 NHTM cổ phần tư nhân nói trên không nên được xếp chung một nhóm mà cần được chia thành 02 nhóm, trong đó 06 mã cổ phiếu ACB, MBB, STB, SHB, TCB, VPB được xếp vào nhóm 2; 04 mã còn lại EIB, HDB, NCB và TPB được xếp vào nhóm 3. 
 
Biến động giá các CPNH  nhóm 1 “Big 4”
 
Trong phạm vi bài viết, các mã của NHNY nhóm 1 bao gồm có VCB, CTG và BID. Mã cổ phiếu VCB chính thức lên sàn HOSE ngày 30/6/2009 với giá đóng cửa là 60.500 đồng/cổ phiếu, sau đó giá đã giảm liên tục trong 15 phiên. Từ năm 2010 đến năm 2016, NHTM cổ phần Ngoại thương Việt Nam có phát hành bổ sung dẫn đến phải điều chỉnh giá cổ phiếu. Mặc dù là một trong những mã được chú ý nhiều, mã VCB chỉ bắt đầu tăng mạnh với tốc độ 190% từ đầu năm 2017 so với năm 2016 ở vùng giá điều chỉnh từ 20.000 đồng/cổ phiếu lên 38.000 đồng/cổ phiếu (tương đương khoảng 60.000 đồng/cổ phiếu trước khi điều chỉnh). Tính từ Q4/2017 đến Q1/2018, VCB lại tiếp tục ghi nhận một đợt tăng giá mạnh từ mức giá khoảng 40.000 đồng/cổ phiếu lên 73.000 đồng/cổ phiếu, tương đương mức tăng 82,5%. Trước khủng hoảng dịch Covid-19, giá đóng cửa điều chỉnh trung bình của mã VCB đạt 27.210 đồng/cổ phiếu, mức biến động giá nằm trong khoảng (-6,97%; 6,99%). Trong khủng hoảng dịch Covid-19, giá cổ phiếu VCB có thời điểm giảm sâu nhất với biên độ -16,47% từ mức 80.300 đồng/cổ phiếu xuống 62.000 đồng/cổ phiếu (Q1/2020). Tuy nhiên, theo đà tăng trưởng của TTCK Việt Nam từ Q2/2020, giá VCB tiếp tục tăng từ mức 84.100 đồng/cổ phiếu lên 97.900 đồng/cổ phiếu. 
 
Kết quả phân tích xu hướng biến động giá của VCB được minh họa tại Phụ lục 1 cho thấy xu hướng giảm xuất hiện vào thời điểm khó khăn của TTCK Việt Nam (Q2/2013 - Q4/2013). Một số giai đoạn giá giảm 02 quý liên tiếp Q4/2009 - Q1/2010; Q3/2012 - Q4/2012; Q4/2015 - Q1/2016. Tuy nhiên, xu hướng tăng mạnh diễn ra ngay cả trong giai đoạn ngành Ngân hàng phải giảm trừ và giải quyết nợ xấu. Đó là các thời điểm Q4/2010 - Q1/2011; Q1/2012 - Q2/2012; Q1/2014 - Q2/2014; Q2/2015 - Q3/2015. Đặc biệt, đà tăng liên tục diễn ra trong suốt năm 2019. Xét về tính mùa vụ, thời điểm cổ phiếu có thể giảm là các Q1 và Q3 với hệ số mùa vụ là -224 đồng/cổ phiếu và -124 đồng/cổ phiếu; và thời điểm mã VCB có thể tăng giá là các Q2 và Q4 với hệ số tương ứng +284 đồng/cổ phiếu và +64 đồng/cổ phiếu. Có thể nói, trong rổ CPNH niêm yết, VCB là một trong những cổ phiếu có tính hấp dẫn nhất về giá đạt được sự quan tâm chú ý của nhiều nhà đầu tư và các bên tham gia trên TTCK.
 
Mã cổ phiếu CTG chính thức niêm yết tại HOSE vào Q3/2009 ở mức giá đóng cửa là 8.116 đồng/cổ phiếu. Tuy nhiên, đến Q3/2010 giá tăng lên 37.700 đồng/cổ phiếu. Kết quả phân tích xu hướng phản ánh tại Phụ lục 1 cho thấy vùng giá thấp được ghi nhận vào giai đoạn Q2/2009 - Q4/2016. Từ Q1/2017, giá cổ phiếu CTG tăng vượt qua ngưỡng 20.000 đồng/cổ phiếu và được chốt ở mức 34.600 đồng/cổ phiếu vào Q4/2017. Sau đó, giá lại có xu hướng giảm về ngưỡng 20.000 đồng/cổ phiếu trong khoảng thời gian từ Q1/2018 đến Q4/2019. Bất chấp bối cảnh dịch Covid-19, CTG tăng lên khá ấn tượng từ 21.550 đồng/cổ phiếu lên 34.550 đồng/cổ phiếu. Kết quả phân tích mùa vụ cho thấy chu kỳ giảm giá xuất hiện trong Q3 với hệ số -74 đồng/cổ phiếu và giảm sâu vào Q4 tương ứng với -852,85 đồng/cổ phiếu. Đặc biệt, mã CTG có xu hướng tăng mạnh vào Q1 với hệ số +929 đồng/cổ phiếu và Q2/2020 hệ số chỉ còn +39 đồng/cổ phiếu. 
 
Mã cổ phiếu BID của NHTM cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam được chính thức niêm yết tại HOSE ngày 24/01/2014. Từ Q1/2014 đến Q4/2020, giá điều chỉnh tăng 12.751 đồng/cổ phiếu lên tới 47.900 đồng/cổ phiếu. Là một trong những NHTM cổ phần có vốn hóa lớn nhất trong số các NHNY, cổ phiếu BID nhận được sự chú ý rất nhiều của nhà đầu tư trên TTCK. Kết quả phân tích giá tại Phụ lục 1 cho thấy, giá tăng trung bình khoảng 11,39% trong năm 2014; 18,08% trong năm 2015; 14,71% năm 2016 và 19,78% trong năm 2017. Đặc biệt, trong các năm 2018, 2019 và 2020 giá tăng lên theo tỷ lệ tương ứng là 33,59%, 37,37% và 39,36%. Chu kỳ biến động giá cho thấy thời gian giá tăng liên tiếp được ghi nhận dài nhất từ Q1/2015 đến Q4/2015 và từ Q3/2018 đến Q1/2019. Trong quá trình niêm yết, biên độ tăng giá tuyệt đối lớn hơn biên độ giảm giá tuyệt đối ở quãng 2 quý. Chẳng hạn, thời điểm Q2/2015 so với Q4/2014, Q3/2015 so với Q1/2016, Q2/2017 so với Q4/2016, đợt tăng mạnh trong Q1/2018 so với độ giảm giá của các quý Q4/2017, Q2/2019, Q1/2020.  
 
Có thể nói, giá cổ phiếu của nhóm 1 “Big 4” đều có xu hướng tăng với các đỉnh mới được thiết lập trong suốt giai đoạn nghiên cứu. Giai đoạn tăng chậm được ghi nhận từ Q1/2009 - Q4/2016 gắn liền với những khó khăn của TTCK Việt Nam. Tuy nhiên, cả 3 mã đều bứt phá mạnh mẽ kể từ Q1/2017, đặc biệt là VCB. Cổ phiếu VCB nhanh chóng dẫn đầu nhóm ngành Ngân hàng, các đỉnh mới được lập đều cao hơn đỉnh cũ. Trong khi đó, giá CTG cũng chuyển biến mạnh mẽ mặc dù không đạt được mức giá cao như VCB, còn BID vừa có xu hướng tăng vừa dao động mạnh hơn từ Q1/2017. 
 
Biến động giá cổ phiếu của ngân hàng nhóm 2
 
Các cổ phiếu thuộc nhóm 2 bao gồm có 06 mã: MBB, ACB, STB, SHB, VPB và TCB. Mã MBB chính thức giao dịch ngày 01/11/2011 với giá đóng cửa điều chỉnh ở mức thấp tương đương 4.698 đồng/cổ phiếu. Diễn biến giá từ Q4/2011 đến Q4/2020 cho thấy sự tiến triển tích cực của MBB từ mức 6.406 đồng/cổ phiếu tại Q4/2012 đến 7.096 đồng/cổ phiếu tại Q4/2013, sau đó tiếp tục tăng lên 7.939 đồng/cổ phiếu tại Q4/2014 và 9.418 đồng vào Q4/2015. Trước tình hình khó khăn chung của năm 2016, giá cổ phiếu MBB giảm xuống mức 9.224 đồng/cổ phiếu và sau đó quay đầu tăng trong Q4/2017, tăng tiếp từ 18.836 đồng/cổ phiếu lên 23.000 đồng/cổ phiếu vào Q4/2020. Kết quả phân tích tính mùa vụ của MBB cho thấy khá rõ giá bị giảm sâu trong các tháng cuối năm (Q4) với hệ số -243 đồng/cổ phiếu, tăng nhẹ trong Q1 với hệ số +88 đồng/cổ phiếu, sau đó lại giảm trong Q2 với hệ số -110 đồng/cổ phiếu và tăng trong Q3 với hệ số +265 đồng/cổ phiếu.
 
Mã cổ phiếu ACB chính thức niêm yết tại HNX từ ngày 21/11/2006. Sau 14 năm giao dịch tại HNX, ACB chuyển sang niêm yết tại HOSE từ ngày 09/12/2020. Kết quả phân tích thống kê mô tả trong giai đoạn Q1/2009 - Q4/2020 cho thấy, giá đóng cửa thấp nhất ở mức 7.548 đồng/cổ phiếu vào Q2/2008 và mức giá đạt được cao nhất là 44.437 đồng/cổ phiếu trong Q2/2018. Số liệu tổng hợp giá cổ phiếu ACB trong giai đoạn nghiên cứu cho thấy, tỷ lệ giảm giá đóng cửa sâu nhất quan sát được là lúc TTCK Việt Nam chịu cú sốc do có những ca nhiễm bệnh dịch Covid-19 đầu tiên tại Việt Nam. Cụ thể là, giá đã giảm sâu -50,99% trong Q1/2020 từ mức 22.800 đồng/cổ phiếu xuống 17.537 đồng/cổ phiếu. Tuy nhiên, điều bất ngờ đã diễn ra khi giá ACB tăng vọt trở lại với tỷ lệ tăng từ 24% đến 28% trong các quý tiếp theo của năm 2020. Kết quả phân tích xu hướng biến động giá giai đoạn Q1/2009 - Q4/2020 thể hiện tại Phụ lục 1 cho thấy vùng giá thấp vào giai đoạn Q4/2009 - Q4/2011, sau đó tăng trở lại trong Q1/2012 và Q2/2012. Từ Q2/2015 đến Q4/2015, giá cổ phiếu ACB tiếp tục tăng và đà tăng giá đã kéo dài trong suốt Q1/2017 đến Q1/2018 từ mức 18.607 đồng/cổ phiếu lên 25.929 đồng/cổ phiếu. Giá có xu hướng giảm nhẹ trong năm 2019 và bị giảm sâu trong Q1/2020 do ảnh hưởng của dịch Covid-19, sau đó phục hồi từ Q2/2020. Kết quả phân tích mùa vụ từ Q1/2009 đến Q4/2020 cho thấy giá thường bắt đầu tăng vào Q1 với hệ số mùa vụ tương ứng là +257 đồng/cổ phiếu, giảm đi trong Q2 với hệ số -147 đồng/cổ phiếu. Sau đó, giá lại có xu hướng tăng trong Q3 với hệ số +154 đồng/cổ phiếu và rồi lại giảm sâu trong Q4 với hệ số -264 đồng/cổ phiếu. 
 
Mã cổ phiếu STB chính thức niêm yết tại HOSE ngày 12/07/2006. Trong giai đoạn Q1/2009 - Q4/2020, giá STB có ít nhất 4 lần chạm đáy ở các mức 6.328 đồng/cổ phiếu (Q1/2009), 7.091 đồng/cổ phiếu (Q2/2011), 9.320 đồng/cổ phiếu (Q3/2006) và 7.300 đồng/cổ phiếu (Q1/2020) nhưng cũng lập đỉnh ở mức 17.168 đồng/cổ phiếu vào Q2/2014.  Lịch sử niêm yết theo ngày cũng ghi nhận giá chạm đáy xuống 5.078 đồng/cổ phiếu năm 2011 và lập đỉnh mức 29.724 đồng/cổ phiếu vào cuối năm 2015 khi ngành Ngân hàng kết thúc giai đoạn 1 của quá trình tái cơ cấu. Xu hướng biến động giá cổ phiếu STB được mô tả tại Phụ lục 1 cho thấy có những giai đoạn giảm giá liên tục kéo dài suốt 4 quý (Q4/2009 - Q3/2010) và suốt 3 quý (Q3/2015 - Q1/2016), xen kẽ với 2 quý liên tiếp có xu hướng giảm giá lại có 2 quý liên tiếp có xu hướng tăng giá nhưng chưa có thời gian nào giá tăng liên tục trong 3 quý. Tuy nhiên, xét về tính chu kỳ thì giá cổ phiếu STB nhận được những tín hiệu tích cực và giá có xu hướng tăng dần theo các Q1, Q2, Q3 với hệ số tải mùa vụ tương ứng tăng dần là +85 đồng/cổ phiếu, +144 đồng/cổ phiếu và +273 đồng/cổ phiếu, nhưng giá bị giảm sâu về các tháng cuối năm với hệ số tải mùa vụ của Q4 là -503 đồng/cổ phiếu.  
 
Cổ phiếu SHB được niêm yết tại HNX vào ngày 06/8/2009. Đến cuối Q2/2009, giá điều chỉnh đóng cửa dừng ở mức thấp 12.511 đồng/cổ phiếu. Từ Q1/2010, tình hình trở nên tồi tệ hơn khi giá cổ phiếu SHB tiếp tục suy giảm xuống thấp hơn mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu và có những thời điểm lâm vào tình cảnh hết sức khó khăn, giá chỉ còn 3.883 đồng/cổ phiếu (Q3/2011) và 3.460 đồng/cổ phiếu (Q4/2011). Mặc dù là cổ phiếu có mức giá thuộc nhóm thấp nhất, kết quả phân tích xu hướng cho thấy chu kỳ tăng/giảm giá của mã SHB thường kéo dài hơn các CPNH niêm yết khác. Cụ thể là, xu hướng giảm được ghi nhận với 4 quý liên tiếp (Q1/2011 - Q4/2011) và 7 quý liên tiếp từ Q2/2018 đến Q4/2019. Lịch sử cũng ghi nhận giá thấp nhất dao động trong khoảng 3.980 - 8.650 đồng/cổ phiếu trong suốt Q1/2016 - Q4/2017. Tuy nhiên, điều bất ngờ đã diễn ra vào năm 2020 bất chấp tác động của dịch Covid-19, mã SHB thăng hoa với 3 quý tăng liên tục (Q1/2020 - Q4/2020). Đỉnh giá mới được lập ở mức 17.100 đồng/cổ phiếu trong Q4/2020 từ 12.900 đồng/cổ phiếu vào Q1/2020. Xét về tính mùa vụ, chu kỳ tăng giá cổ phiếu SHB xuất hiện vào nửa đầu năm với hệ số mùa vụ tại Q1 và Q2 tương ứng là +747 đồng/cổ phiếu và +163 đồng/cổ phiếu. Trái lại, chu kỳ giảm giá được ghi nhận vào nửa cuối năm với hệ số mùa vụ tương ứng trong Q3 và Q4 là -177 đồng/cổ phiếu và -733 đồng/cổ phiếu. 
 
Cổ phiếu VPB lên sàn từ Q3/2017 khi tình hình kinh tế vĩ mô trong nước và thế giới có nhiều thuận lợi hơn so với giai đoạn 2006 - 2010 và 2011 - 2015. Mức giá trung bình tính theo quý của cổ phiếu VPB đạt 24.162 đồng/cổ phiếu, ghi nhận mức giá đóng cửa thấp nhất là 16.950 đồng/cổ phiếu và lập đỉnh với mức giá điều chỉnh cao nhất là 39.861 đồng/cổ phiếu trong Q1/2018. Trong suốt 14 quý niêm yết tính từ Q3/2017 - Q4/2020, có thời điểm VPB thực sự hấp dẫn đối với nhà đầu tư với tỷ lệ tăng giá lên tới 57,31% trong Q1/2018; 38,89% trong Q4/2020. Tuy nhiên, từ Q2/2018 đến Q2/2020, giá có xu hướng giảm đi. Xen kẽ giữa các quý ghi nhận giá tăng cũng xen kẽ các quý giá giảm, trong đó tỷ lệ giảm sâu nhất được ghi nhận là -28% tại Q2/2018, -25% tại Q4/2018.  Thời gian niêm yết 14 quý chưa đủ dài để phân tích tính mùa vụ của cổ phiếu VPB, do đó tính mùa vụ chưa thể hiện rõ ràng. Chẳng hạn, giá đã tăng trong Q3/2017 và Q3/2020, tuy nhiên lại giảm đi trong các Q3/2018 và Q3/2019. Giá tăng trong Q4/2017 và Q4/2020, song lại giảm vào Q4/2018 và Q4/2019. Giá giảm trong Q1/2018, Q1/2019 nhưng lại tăng trong Q1/2020. 
 
Cổ phiếu TCB được niêm yết từ Q2/2018 với giá tham chiếu điều chỉnh cuối quý là 30.564 đồng/cổ phiếu. Trong 11 quý niêm yết từ Q2/2018 đến Q4/2020, giá cổ phiếu xuống mức thấp nhất là 15.000 đồng/cổ phiếu vào Q1/2020 khởi điểm của dịch Covid-19 tại Việt Nam. Tuy nhiên, mức giá cao nhất được ghi nhận vào Q4/2020 là 31.500 đồng/cổ phiếu. Cổ phiếu TCB có khoảng giá dao động mạnh từ -45,1% (Q1/2020) đến 39,38% (Q4/2020). Giai đoạn Q3/2018 - Q2/2019 giá có xu hướng giảm dần và tăng trở lại trong giai đoạn Q2/2020 - Q4/2020. Tính mùa vụ của cổ phiếu TCB chưa thể hiện rõ ràng do thời gian niêm yết chưa đủ dài. Chẳng hạn, giá đã giảm trong Q3/2018 và lại tăng trong Q3/2019 và Q3/2020. Giá giảm đi trong Q4/2018 xong lại tăng nhẹ trong Q4/2019 và tăng mạnh trong Q4/2020.  
 
Có thể nói, lịch sử niêm yết của các cổ phiếu nhóm 2 cho thấy giai đoạn trước năm 2017, các mã MBB, SHB, ACB và STB đều biến động ở vùng giá thấp dưới 20.000 đồng/cổ phiếu, thậm chí có thời điểm đáy giá thấp hơn 10.000 đồng/cổ phiếu. Kể từ sau năm 2017, ngoài 04 mã nói trên có sự tham gia của TCB và VPB. Giá của cả 06 cổ phiếu thuộc nhóm 2 “phân khúc giữa” đã tăng lên ở vùng giá cao hơn 20.000 - 30.000 đồng/cổ phiếu cùng với xu hướng tăng tốc của TTCK Việt Nam. Có một điểm chung được ghi nhận là tất cả các cổ phiếu trong làn sóng dịch Covid-19 đầu tiên đều giảm mạnh và có đáy được ghi nhận trong Q1/2020. 
 
Biến động giá cổ phiếu của ngân hàng nhóm 3 
 
Các cổ phiếu của ngân hàng nhóm 3 bao gồm các mã EIB, NVB, TPB và HDB. Mã EIB bắt đầu niêm yết tại HOSE vào Q4/2009 với giá đóng cửa cuối quý là 12.041 đồng/cổ phiếu. Trong giai đoạn niêm yết từ Q4/2009 - Q4/2020, xu hướng biến động giá phân hóa theo 3 chu kỳ rõ rệt và được phản ánh tại Phụ lục 1. Chu kỳ giá giảm sâu diễn ra từ Q2/2010 đến Q3/2011, sau đó tăng từ Q4/2011 đến Q1/2014 lên mức giá 14.079 đồng/cổ phiếu. Từ Q2/2014 đến Q4/2016 là thời kỳ suy giảm giá kéo dài xuống mức đáy của lịch sử niêm yết 9.000 đồng/cổ phiếu. Tuy nhiên, từ Q1/2017 đến Q4/2020, xu hướng giá được cải thiện rõ rệt hơn cho tới Q4/2019. Trong bối cảnh dịch Covid-19, giá EIB không suy giảm nhiều trong những tháng đầu tiên như nhiều CPNH khác, tuy nhiên cũng không tăng mạnh và chốt ở mức 19.200 đồng/cổ phiếu vào Q4/2020. Kết quả phân tích tính mùa vụ của EIB cho thấy, giá giảm sâu vào nửa cuối năm với hệ số tải mùa vụ Q3 và Q4 tương ứng là -482 đồng/cổ phiếu và -468 đồng/cổ phiếu, giá được cải thiện trong Q1 và Q4 với hệ số tương ứng +197 đồng/cổ phiếu và +752 đồng/cổ phiếu.
 
Mã cổ phiếu NVB được niêm yết tương đối sớm tại HOSE, tuy nhiên, giá cổ phiếu không đạt được kỳ vọng của các nhà đầu tư cũng như NHTM cổ phần Quốc Dân. Thời điểm giá chạm đáy rơi vào Q4/2016 ở mức 4.600 đồng/cổ phiếu. Trong suốt quá trình niêm yết, mức giá cao nhất được ghi nhận là 9.900 đồng/cổ phiếu tại Q4/2020. Kết quả phân tích xu hướng giá cho thấy có 05 quý giảm giá kéo dài liên tiếp từ Q2/2011 đến Q2/2012; 4 quý giảm liên tiếp từ Q4/2012 đến Q3/2013. Từ năm 2017, giá có xu hướng cải thiện từ mức 4.600 đồng/cổ phiếu lên mức 8.775 đồng/cổ phiếu. Kết quả phân tích tính mùa vụ mã NVB cho thấy, giá được cải thiện trong Q4 cho tới hết Q1 với hệ số tải mùa vụ tương ứng là +120 đồng/cổ phiếu và +102 đồng/cổ phiếu; giá có xu hướng giảm trong Q2 và Q3 với hệ số tải tương ứng là -115 đồng/cổ phiếu và -107 đồng/cổ phiếu.
 
Mã cổ phiếu TPB chính thức niêm yết tại HOSE vào Q2/2018 với giá đóng cửa điều chỉnh là 21.467 đồng/cổ phiếu. Giá TPB không tăng trong Q3 và Q4 của năm 2018 mà có tỷ lệ giảm tương ứng là -4,8% và -2,48% ở mức 20.452 đồng/cổ phiếu và 19.950 đồng/cổ phiếu. Vào thời điểm TTCK bị sốc do tác động của dịch Covid-19, giá cổ phiếu đã giảm xuống 17.150 đồng/cổ phiếu. Trong suốt quá trình niêm yết, giá không biến động mạnh như nhiều mã CPNH khác và dao động trong khoảng (-6,21% - 14,28%). Tính mùa vụ của cổ phiếu TPB cũng chưa thể hiện một cách rõ ràng. Giá giảm đi trong Q2/2018, Q2/2019 nhưng lại tăng trong Q2/2020. Giá tăng lên trong Q1/2019 nhưng lại giảm trong Q1/2020.
 
Mã cổ phiếu HDB chính thức niêm yết từ Q1/2018 với giá đóng cửa điều chỉnh là 44.279 đồng/cổ phiếu. Trong quá trình niêm yết, giá chưa hồi phục được về mức đóng cửa trong quý đầu giao dịch. Ở thời điểm bắt đầu bùng phát dịch Covid-19, giá chạm đáy và được ghi nhận ở mức 13.692 đồng/cổ phiếu. Kết quả phân tích biến động giá cổ phiếu cho thấy, từ Q4/2018 đến Q1/2020, tỷ lệ giảm giá theo từng quý được ghi nhận là -24,85% (Q4/2018), -8,71% (Q2/2019) và -69,92% (Q1/2020). Từ Q2/2020 đến Q4/2020, giá được cải thiện từ 13.692 đồng/cổ phiếu lên 19.075 đồng/cổ phiếu với tỷ lệ +33,16%, tiếp tục tăng lên 24.076 đồng/cổ phiếu và chốt ở mốc cuối năm là 23.750 đồng/cổ phiếu. 
 
Nhìn chung, kết quả phân tích biến động giá cổ phiếu của các ngân hàng thuộc nhóm 3 cho thấy 02 mã NVB và EIB dao động ở mức thấp ngay cả trong giai đoạn 2017 - 2019, trong khi cổ phiếu HDB có sự khởi đầu khá tốt ở vùng giá 20.000 - 30.000 đồng/cổ phiếu. Cổ phiếu TPB có nhiều triển vọng tích cực qua phân tích chu kỳ và tính mùa vụ.

5. Thảo luận và một số hàm ý dành cho nhà đầu tư cá nhân
 
Thứ nhất, việc tăng cường hiểu biết của nhà đầu tư cá nhân về đặc điểm và diễn biến giá cổ phiếu NHNY trên TTCK Việt Nam là hết sức cần thiết. 
 
Nghiên cứu về đặc trưng cổ phiếu NHNY, chu kỳ và tính mùa vụ trong biến động giá cổ phiếu các NHNY giúp nhà đầu tư nhìn thấy bức tranh toàn cảnh về CPNH, qua đó chủ động lựa chọn các mã cổ phiếu tốt trước khi có đánh giá chi tiết theo các phân tích căn bản và phân tích kỹ thuật. Trên TTCK Việt Nam, nhà đầu tư cá nhân chiếm số lượng lớn, quy mô giao dịch nhỏ, bị hạn chế về khả năng tiếp cận thông tin cũng như khả năng phân tích thị trường. Kết quả nghiên cứu cho thấy, CPNH sở dĩ được gọi là cổ phiếu “trụ” vì chúng hội tụ 05 đặc trưng là cổ phiếu của các tổ chức niêm yết quy mô vốn lớn, chu kỳ và xu hướng biến động giá tương quan mạnh với chỉ số VN-Index, CPNH không được đem cầm cố thế chấp tại chính ngân hàng phát hành nó, nhà phát hành CPNH phải tuân thủ chặt chẽ an toàn hoạt động ngân hàng, là loại cổ phiếu được ưu tiên đăng tải trên các phương tiện truyền thông, được nhiều công ty tư vấn, các nhà phân tích chứng khoán quan tâm nghiên cứu. Những số liệu khảo sát về tâm lý nhà đầu tư cá nhân đối với CPNH trong thời gian qua cho thấy, các nhà đầu tư cá nhân ngày nay biết nhận dạng và không đánh đồng CPNH với cổ phiếu ngành khác, song về tâm lý vẫn bị tác động bởi thông tin tích cực hay tiêu cực từ thị trường. Để CPNH tăng trưởng ổn định, phản ánh đúng giá trị nội tại của nó, tránh để giá của chúng bị rung lắc mạnh trước các thông tin mang tính ngắn hạn, giải pháp và khuyến nghị cho nhà đầu tư cá nhân, đặc biệt cho những nhóm theo đuổi đầu tư giá trị dài hạn là cần hiểu đúng về tính chất cũng như chu kỳ của CPNH. 
 
Thứ hai, việc xây dựng tâm lý tự tin, tinh thần khách quan khi nghe bình luận, trao đổi thông tin thời sự hằng ngày về tình hình biến động giá và các thông tin liên quan đến phát hành bổ sung từ phương tiện truyền thông và cơ quan ngôn luận là hết sức quan trọng.
 
Hiện nay, nhà đầu tư nhiều khi bị loạn thông tin bởi có quá nhiều kênh phân tích CPNH. Chẳng hạn, hầu hết các công ty chứng khoán, điển hình như SSI, MBS, VnDirect, BSC đưa ra những phân tích về sự biến động CPNH dưới góc nhìn của nhà đầu tư chuyên nghiệp. Các bài phân tích này dựa trên những phân tích cơ bản, phân tích kỹ thuật và ngoài ra còn có các bài phân tích ngắn về CPNH đã và đang được đăng tải tại công ty dữ liệu và tư vấn luật, kênh truyền hình như Finingroup, Luật Minh Khuê, kênh FBNC, VTV, VOV, VTC… Các bình luận về CPNH được tìm thấy rất nhiều tại các trang thông tin điện tử chuyên sâu về chứng khoán như cafef.vn, cophieu68.vn, vietstock.finance.vn, finhay.com, shchungkhoan.com, nganhangviet.com, infofinance.com, chungkhoancenter.com, nganhangonline.com, nhipcaudautu.vn, saigondautu.vn, kinhte-chungkhoan.vn… Các báo điện tử như Vietnamnet, VnExpress, Thanh niên, Tiền phong, Lao động, Người lao động, Hà Nội mới, Dân trí, Tuổi trẻ, Công luận, Kiến thức, Zing news, diendandoanhnghiep.vn, baodautu.vn, tapchitaichinh.vn, nhipcaudautu.vn, nhipsongdoanhnghiep.vn… cũng đăng tải thông tin về CPNH.  
 
Đây là minh chứng cho thấy thông tin đến với nhà đầu tư rất đa chiều và nếu nhà đầu tư không dành nhiều thời gian nghiên cứu riêng về CPNH hoặc không có tầm nhìn dài hạn sẽ dễ dao động trước thông tin thời điểm, có lúc tâm lý hưng phấn nếu nhận được tin cổ phiếu tăng giá và ngược lại bị hoang mang với tin tức cổ phiếu giảm giá.
 
Thứ ba, những hàm ý khác đối với nhà đầu tư cá nhân khi lựa chọn CPNH là song song với việc chủ động về tâm thế cần cải thiện khả năng đọc, hiểu, phân tích đặc thù hoạt động kinh doanh ngân hàng gắn với các rủi ro của ngân hàng. Việc nhận định đặc điểm riêng của mỗi CPNH niêm yết và tích lũy kiến thức trong quá trình theo dõi, cập nhật thường xuyên thông tin của từng NHNY. Nhà đầu tư cá nhân cần phân bổ hợp lý tỷ trọng CPNH trong danh mục đầu tư tài chính. Xây dựng danh mục đầu tư hiệu quả, kết hợp các phương pháp, quy trình quản lý danh mục đầu tư tối ưu có thể giúp nhà đầu tư gia tăng được giá trị đầu tư và giảm thiểu những rủi ro đầu tư tài chính. Trong danh mục đầu tư, việc nghiên cứu và chấm điểm để lựa chọn những CPNH có chất lượng tốt giúp nhà đầu tư xây dựng danh mục đầu tư tối ưu. Những biện pháp hỗ trợ bao gồm:
 
- Phân bổ tài sản phù hợp với kỳ vọng về lợi nhuận và khả năng chấp nhận rủi ro. Mỗi nhà đầu tư có khả năng tài chính và mục tiêu đầu tư khác nhau. Chính vì vậy, nhận thức ở mức độ khác nhau đối với các nhân tố do Nhà nước kiểm soát như GDP, tỷ giá hối đoái, lãi suất, giá vàng, sản lượng mục tiêu trong từng năm của các ngành sản xuất giúp họ định hướng lựa chọn kỳ hạn đầu tư nào cho phù hợp. Nhà đầu có trình độ học vấn càng cao thì rủi ro thua lỗ cũng thấp hơn nhà đầu tư không có khả năng tính toán. 
 
- Thường xuyên đánh giá lại danh mục đầu tư thông qua bóc tách kết quả đầu tư của từng loại cổ phiếu, trong đó có đánh giá chi tiết đối với từng CPNH. Với những đặc điểm riêng có của CPNH, nhà đầu tư có thể yên tâm rằng những cổ phiếu này có thể nắm giữ dài hạn và đáp ứng được những tiêu chí giúp nhà đầu tư theo đuổi giá trị gia tăng trong tương lai. Tuy nhiên, các nhà đầu tư nên cân đối hiệu quả đầu tư và xem xét tổng thể các cơ hội.
 
- Bố trí nguồn tài chính hợp lý, cân nhắc các chi phí cơ hội để chủ động nắm giữ các CPNH được đánh giá có độ an toàn cao, có khả năng đầu tư giá trị trong thời gian dài.
 
Phụ lục 1: Xu hướng, tính mùa vụ biến động giá các cổ phiếu NHTM cổ phần niêm yết

Biểu đồ 1: Xu hướng và chu kỳ biến động giá cổ phiếu VCB

                                                                          Đơn vị tính: Đồng


Biểu đồ 3. Xu hướng và chu kỳ biến động giá cổ phiếu BID

                                                                        Đơn vị tính: Đồng


Biểu đồ 2: Xu hướng và chu kỳ biến động giá cổ phiếu CTG

                                                                         Đơn vị tính: Đồng


Biểu đồ 4: Xu hướng và tính mùa vụ của cổ phiếu MBB


                                                                         Đơn vị tính: Đồng


Biểu đồ 5: Xu hướng và chu kỳ biến động giá cổ phiếu ACB

                                                                          Đơn vị tính: Đồng


Biểu đồ 6: Xu hướng và chu kỳ biến động giá cổ phiếu STB
 
                                                                                  Đơn vị tính: Đồng      


Biểu đồ 7: Xu hướng biến động giá cổ phiếu SHB

                                                                               Đơn vị tính: Đồng      


Biểu đồ 8: Xu hướng biến động giá cổ phiếu TCB
   
                                                                                 Đơn vị tính: Đồng      



Biểu đồ 9: Xu hướng biến động giá cổ phiếu VPB
   
                                                                               Đơn vị tính: Đồng      


Biểu đồ 10: Xu hướng biến động giá cổ phiếu TPB
 
                                                                               Đơn vị tính: Đồng      



Biểu đồ 11: Xu hướng biến động giá cổ phiếu HDB


                                                                               Đơn vị tính: Đồng      


Biểu đồ 12: Xu hướng và chu kỳ biến động giá cổ phiếu EIB


                                                                               Đơn vị tính: Đồng      


Biểu đồ 13: Xu hướng và chu kỳ biến động giá cổ phiếu NVB


                                                                          Đơn vị tính: Đồng

Nguồn: Tổng hợp của tác giả
 
1 10 trong số 17 NHNY nằm trong danh sách VN30 bao gồm NHTM cổ phần Á Châu, NHTM cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam, NHTM cổ phần Công thương Việt Nam, NHTM cổ phần Xuất nhập khẩu Việt Nam, NHTM cổ phần Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh, NHTM cổ phần Quân đội, NHTM cổ phần Sài Gòn Thương tín, NHTM cổ phần Kỹ thương Việt Nam, NHTM cổ phần Ngoại thương Việt Nam, NHTM cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng. 01 ngân hàng thuộc nhóm HNX 30 bao gồm NHTM cổ phần Quốc Dân).
2 Trang 191, chương 5: Đo lường và đánh giá hoạt động ngân hàng.
3 Từ tháng 12/2020, ACB chính thức chuyển niêm yết sang HOSE.

Tài liệu tham khảo:
 
1. Quyết định số 986/QĐ-CP ngày 08/8/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt "Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030".
2. Nghị định số 59/2009/NĐ-CP ngày 16/7/2009 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của NHTM.
3. Nghị định số 86/2019/NĐ-CP ngày 14/11/2019 của Chính phủ quy định mức vốn pháp định của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
4. Thông tư số 52/2018/TT-NHNN ngày 31/12/2018 của Thống đốc NHNN quy định xếp hạng TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
5. Thông tư số 26/2012/TT-NHNN ngày 13/9/2012 của Thống đốc NHNN hướng dẫn thủ tục chấp thuận của NHNN đối với việc niêm yết cổ phiếu trên TTCK trong nước và nước ngoài của TCTD cổ phần.
6. Peter S. Rose (2001), Quản trị NHTM, Nhà xuất bản Khoa học - Kỹ thuật.
7. Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (2019), truy cập tại www.ssc.gov.vn
8. Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội (2019), truy cập tại < https://www.hnx.vn/vi-vn/>
9. Sở giao dịch chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh, truy cập tại https://www.hsx.vn/
10. Bài viết được thực hiện trong khuôn khổ Đề tài QG.21.48 của Đại học Quốc gia Hà Nội.

TS. Nguyễn Phú Hà 
Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội
Bình luận Ý kiến của bạn sẽ được kiểm duyệt trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Đóng lại ok
Bình luận của bạn chờ kiểm duyệt từ Ban biên tập
Dư địa tăng trưởng trái phiếu xanh Việt Nam còn rất lớn
Dư địa tăng trưởng trái phiếu xanh Việt Nam còn rất lớn
12/04/2024 1.122 lượt xem
Nhu cầu huy động vốn từ phát hành trái phiếu xanh phục vụ dự án bảo vệ môi trường là rất lớn, tuy nhiên mới chỉ có 19 trái phiếu xanh được phát hành giai đoạn 2018-2023.
Thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2024: Triển vọng tích cực
Thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2024: Triển vọng tích cực
26/03/2024 3.431 lượt xem
Thị trường chứng khoán Việt Nam đã trải qua năm 2023 đầy biến động, tuy nhiên, vẫn kết thúc với những dấu hiệu tích cực. Năm 2024 được dự đoán sẽ tiếp tục là một năm đầy triển vọng với sự phục hồi kinh tế toàn cầu và những chính sách hỗ trợ mạnh mẽ từ phía Chính phủ.
Chuyển đổi số để cải cách hiệu quả các thủ tục hành chính lĩnh vực chứng khoán
Chuyển đổi số để cải cách hiệu quả các thủ tục hành chính lĩnh vực chứng khoán
12/03/2024 3.318 lượt xem
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) vừa ban hành Quyết định số 67/QĐ-UBCK về kế hoạch cải cách thủ tục hành chính năm 2024, trong đó phấn đấu có tối thiểu 70% thủ tục hành chính có yêu cầu nghĩa vụ tài chính được triển khai thanh toán trực tuyến.
Nâng hạng thị trường chứng khoán, hút vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài
Nâng hạng thị trường chứng khoán, hút vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài
06/03/2024 4.359 lượt xem
Có 2 vấn đề cần được tháo gỡ để thị trường chứng khoán được FTSE Russell nâng hạng, đó là yêu cầu ký quỹ trước giao dịch và giới hạn sở hữu nước ngoài.
Chứng khoán vận hành Hệ thống công bố thông tin một đầu mối kể từ 8/3
Chứng khoán vận hành Hệ thống công bố thông tin một đầu mối kể từ 8/3
05/03/2024 3.688 lượt xem
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, từ 8/3/2024 sẽ vận hành Hệ thống công bố thông tin một đầu mối áp dụng đối với tổ chức niêm yết, đăng ký giao dịch trên sở giao dịch chứng khoán. Trước mắt, sẽ áp dụng đối với các tổ chức niêm yết, đăng ký giao dịch trên Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX).
Thị trường chứng khoán quốc tế, Việt Nam năm 2023 và triển vọng năm 2024
Thị trường chứng khoán quốc tế, Việt Nam năm 2023 và triển vọng năm 2024
04/01/2024 7.517 lượt xem
Thị trường chứng khoán toàn cầu năm 2023 tăng trưởng vượt trội tại các thị trường chứng khoán lớn như Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ, trong khi thị trường chứng khoán Trung Quốc tăng trưởng suy giảm, thị trường chứng khoán châu Âu tăng với tốc độ vừa phải.
Tháng 11: Thị trường cổ phiếu niêm yết tăng 9,5%
Tháng 11: Thị trường cổ phiếu niêm yết tăng 9,5%
05/12/2023 5.661 lượt xem
Theo Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX): Tháng 11/2023, thị trường cổ phiếu niêm yết tại HNX có xu hướng tăng sau 2 tháng giảm điểm liên tiếp, chỉ số HNX Index có các phiên tăng điểm khá mạnh trong đầu tháng 11 và đóng cửa ở mức 226,15 điểm, tăng 9,5% so với cuối tháng 10/2023.
Chung tay thúc đẩy thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển ổn định, bền vững
Chung tay thúc đẩy thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển ổn định, bền vững
02/11/2023 5.335 lượt xem
Nhằm hạn chế những bất ổn và thúc đẩy thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) phát triển ổn định, bền vững, thời gian qua, Chính phủ, Bộ Tài chính và các bộ, ngành liên quan đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp
Đầu tư trái phiếu doanh nghiệp: Chọn lựa các doanh nghiệp uy tín
Đầu tư trái phiếu doanh nghiệp: Chọn lựa các doanh nghiệp uy tín
04/10/2023 6.716 lượt xem
Các chuyên gia cho rằng, việc lựa chọn đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp giai đoạn hiện nay sẽ không còn dễ dàng. Nhà đầu tư phải cân nhắc, chọn lựa trái phiếu của những doanh nghiệp uy tín, phát hành minh bạch, chiến lược kinh doanh ổn định, hoạt động hiệu quả; tuyệt đối không nghe tin đồn mà có thể bị ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư.
Tăng tốc để hoàn thành mục tiêu nâng hạng thị trường chứng khoán
Tăng tốc để hoàn thành mục tiêu nâng hạng thị trường chứng khoán
29/09/2023 7.239 lượt xem
Sau nhiều năm, các bước đi để tiến tới nâng hạng thị trường chứng khoán từ cận biên lên mới nổi được tiếp tục khởi rộng và tăng tốc với những nỗ lực, quyết tâm từ cơ quan quản lý.
Cảnh báo nhà đầu tư khi giao dịch tiền mã hóa trên các ứng dụng, sàn giao dịch chứng khoán chưa được cấp phép
Cảnh báo nhà đầu tư khi giao dịch tiền mã hóa trên các ứng dụng, sàn giao dịch chứng khoán chưa được cấp phép
25/09/2023 5.992 lượt xem
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước khẳng định, không quản lý các sàn giao dịch chứng khoán như Gate.io, GoldFinger Finance, Vietdiamondstocks,… và hoạt động giao dịch trên các sàn này; các loại tiền kỹ thuật số như Pi, USDT, BUSD,.. không phải là chứng khoán và việc mua bán các loại tiền kỹ thuật số nêu trên của nhà đầu tư chưa được pháp luật quy định.
Giá trị giao dịch trái phiếu Chính phủ tháng 8 tăng hơn 11% so tháng trước
Giá trị giao dịch trái phiếu Chính phủ tháng 8 tăng hơn 11% so tháng trước
07/09/2023 7.219 lượt xem
Thống kê từ Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) cho thấy, tháng 8, HNX tổ chức 20 đợt đấu thầu trái phiếu Chính phủ do Kho bạc Nhà nước phát hành với tỷ lệ trúng thầu đạt 92,69%. Đáng chú ý, giao dịch thứ cấp trái phiếu Chính phủ bình quân đạt hơn 5.830 tỷ đồng/phiên, tăng 11,69% so tháng 7.
Hệ thống KRX giúp đẩy nhanh tiến trình nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam
Hệ thống KRX giúp đẩy nhanh tiến trình nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam
29/08/2023 7.205 lượt xem
Hệ thống KRX dự kiến đi vào vận hành cuối năm 2023, sẽ giúp thị trường chứng khoán Việt Nam cải thiện về thanh khoản, vốn hóa và giải quyết được nhiều nút thắt của thị trường hiện nay để tiến tới được nâng hạng thị trường từ cận biên lên mới nổi.
Tỷ giá tăng ảnh hưởng tới dòng vốn ngoại vào thị trường chứng khoán
Tỷ giá tăng ảnh hưởng tới dòng vốn ngoại vào thị trường chứng khoán
24/08/2023 6.821 lượt xem
Tỷ giá tăng khiến dòng vốn ngoại rút ròng, không vào thêm tiền, làm giảm động lực tăng giá của thị trường chứng khoán, nhưng sẽ không quá đáng ngại với sự hỗ trợ từ Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN).
Thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đạt hơn 5.700 tỷ đồng sau 1 tháng đi vào vận hành
Thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đạt hơn 5.700 tỷ đồng sau 1 tháng đi vào vận hành
23/08/2023 6.396 lượt xem
Sau 1 tháng đi vào hoạt động, hệ thống giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội được vận hành an toàn, thông suốt, các vấn đề kỹ thuật được bảo đảm. Quy mô thị trường tiếp tục tăng trưởng và thanh khoản trái phiếu được duy trì.
Giá vàngXem chi tiết

GIÁ VÀNG - XEM THEO NGÀY

Khu vực

Mua vào

Bán ra

HÀ NỘI

Vàng SJC 1L

81.000

83.500

TP.HỒ CHÍ MINH

Vàng SJC 1L

81.000

83.500

Vàng SJC 5c

81.000

83.520

Vàng nhẫn 9999

74.200

76.100

Vàng nữ trang 9999

74.000

75.300


Ngoại tệXem chi tiết
TỶ GIÁ - XEM THEO NGÀY 
Ngân Hàng USD EUR GBP JPY
Mua vào Bán ra Mua vào Bán ra Mua vào Bán ra Mua vào Bán ra
Vietcombank 25,145 25,485 26,411 27,860 30,670 31,974 159.56 168.87
BIDV 25,185 25,485 26,528 27,748 30,697 31,977 159.6 168
VietinBank 25,160 25,485 26,651 27,946 31,096 32,106 161.07 169.02
Agribank 25,180 25,485 26,599 27,900 30,846 32,001 160.64 168.67
Eximbank 25,160 25,485 26,632 27,531 30,915 31,959 161.35 166.79
ACB 25,190 25,485 26,768 27,476 31,178 31,876 161.53 166.97
Sacombank 25,250 25,485 26,880 27,440 31,315 31,817 162.5 167.51
Techcombank 25,228 25,485 26,523 27,869 30,720 32,037 157.83 170.27
LPBank 24,943 25,485 26,344 27,844 31,044 31,948 159.37 170.59
DongA Bank 25,250 25,485 26,760 27,440 31,070 31,920 159.80 166.90
(Cập nhật trong ngày)
Lãi SuấtXem chi tiết
(Cập nhật trong ngày)
Ngân hàng
KKH
1 tuần
2 tuần
3 tuần
1 tháng
2 tháng
3 tháng
6 tháng
9 tháng
12 tháng
24 tháng
Vietcombank
0,10
0,20
0,20
-
1,60
1,60
1,90
2,90
2,90
4,60
4,70
BIDV
0,10
-
-
-
1,70
1,70
2,00
3,00
3,00
4,70
4,70
VietinBank
0,10
0,20
0,20
0,20
1,70
1,70
2,00
3,00
3,00
4,70
4,80
ACB
0,01
0,50
0,50
0,50
2,30
2,40
2,60
3,50
3,70
4,50
4,50
Sacombank
-
0,50
0,50
0,50
2,10
2,30
2,50
3,50
3,60
4,50
4,80
Techcombank
0,10
-
-
-
2,20
2,20
2,30
3,40
3,45
4,40
4,40
LPBank
0.20
0,20
0,20
0,20
1,80
1,80
2,10
3,20
3,20
5,00
5,30
DongA Bank
0,50
0,50
0,50
0,50
3,30
3,30
3,30
4,30
4,50
4,80
5,00
Agribank
0,20
-
-
-
1,60
1,60
1,90
3,00
3,00
4,70
4,70
Eximbank
0,50
0,50
0,50
0,50
3,00
3,20
3,30
3,80
3,80
4,80
5,10

Liên kết website
Bình chọn trực tuyến
Nội dung website có hữu ích với bạn không?